Quan sát và tìm hiểu
- Có nhiều loại chai với hình dáng, màu sắc khác nhau.
- Thân các loại chai thường có dạng hình trụ.
- Hai bên thành chai cân đối theo trục thẳng đứng.
- Một số loại chai được trang trí phù hợp với mục đích sử dụng (nước giải khát, rượu, nước mắm, …)
Thực hành : Vẽ cái chai
Gợi ý cách vẽ :
- Xác định khung hình chung.
- Xác định đường trục, đánh dấu các điểm chính.
- Vẽ phác hình dựa trên đường trục.
- Vẽ thêm chi tiết và chỉnh sửa hoàn chỉnh hình.
- Em có thể vẽ cái chai theo mẫu hoặc tạo dáng và trang trí theo ý thích.
Thực hành : Làm lọ cắm hoa từ vỏ chai nhựa (có thể làm ngoài giờ trên lớp)
Bước 1 : Cắt bỏ phần hình chóp phía trên của vỏ chai nhựa, chỉ lấy phần ống thẳng ở dưới. Đường cắt bằng miệng không lượn cao thấp.
Bước 2 : Cắt những đường song song dọc theo thành chơi tạo thành những dải nhựa nhỏ đều nhau, mỗi dải rộng 1cm, dài tuỳ ý – dải cắt càng dài thì miệng lọ sẽ càng xoè rộng.
Bước 3 : Khẽ đẩy ngửa các dải nhựa chĩa ra phía ngoài, dùng tay ấn đều vào phần tiếp giáp của dải nhựa với phần vỏ chai không cắt. Úp ngược chai xuống, ấn nhẹ cho phần miệng chai Xoè đều các dải nhựa ra xung quanh, giữ một lúc lâu để các dải nhựa tạo thành nếp vuông góc với thành chai.
Bước 4 : Các dải nhựa sẽ được đan thành miệng lọ. Gập xuống và chếch chéo sang trái một dải nhựa, đầu dải nhựa được cài so le qua ba dải kế cạnh nó ở bên trái và dừng lại ở dải nhựa thứ ba. Dải nhựa thứ hai đứng ngay bên phải dải nhựa thứ nhất (đã gập) cũng sẽ được gặp và gài so le tương tự.
Bước 5 : Chỉnh lại các mối gài cho đều đặn và chắc chắn. Ta thấy miệng lọ đã được thu nhỏ lại so với độ xoè rộng ban đầu của các dải nhựa, hơn nữa chúng đan cài tạo hình khá đẹp.
Nguồn : Vở tập vẽ 3 – Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam