Bài 29 : Thường thức Mĩ thuật – Sơ lược về Mĩ thuật thế giới thời kì cổ đại – Mĩ thuật lớp 6

Mĩ thuật cổ đại đã phát triển từ hơn 3.000 năm trước Công nguyên ở vùng Lưỡng Hà (I-rắc ngày nay), Ai Cập, rồi đến Hi Lạp (từ thế kỉ III trước Công nguyên đến khoảng đầu Công nguyên) và La Mã (kéo dài trong 500 năm tiếp theo), đánh dấu giai đoạn cực thịnh trong lịch sử tiến hoá của nhân loại.

SƠ LƯỢC VỀ MĨ THUẬT AI CẬP THỜI KÌ CỔ ĐẠI

Đất nước Ai Cập nằm bên lưu vực sông Nin vùng Đông Bắc châu Phi.

Với đức tính cần cù lao động của người dân và sự ưu ái của thiên nhiên, Ai Cập đã sớm có được một nền văn minh bền vững, huy hoàng trong suốt ba thiên niên kỉ.

Những di sản nghệ thuật ở đây cho thấy người Ai Cập xưa đã có những nhà kiến trúc, nhà điêu khắc và hoạ sĩ kiệt xuất.

1. Kiến trúc

Tiêu biểu cho kiến trúc Ai Cập thời kì cổ đại là những ngôi đền lộng lẫy, những Kim tự tháp đồ sộ, cụ thể như phần mộ của các Pha-ra-ông (vua Ai Cập).

Điển hình là Kim tự tháp của vua Kê-ốp cao 138m, đáy vuông mỗi canh 225 m.

2. Điêu khắc

Nổi bật là những pho tượng đá khổng lồ, tượng trưng cho quyền năng của thần linh như Tượng Nhân sự (đầu người, mình sư tử có cánh) cao khoảng 20 m, dài khoảng 60 m được tạc từ những khối đá lớn …

Nhiều tượng vừa và nhỏ miêu tả người hoặc động vật, đều rất tinh tế và sinh động như tượng Viên thư lại, Hoàng hậu Ai Cập …

Ngoài ra còn rất nhiều phù điêu, hình chạm trổ dường như phủ kín bề mặt kiến trúc trong các đền, mộ cho thấy nghệ thuật điêu khắc thời bấy giờ đã rất phong phú.

Bài 29 : Thường thức Mĩ thuật - Sơ lược về Mĩ thuật thế giới thời kì cổ đại - Mĩ thuật lớp 6
Hình 1. Tượng Viên thư lại

3. Hội hoa

Tranh tường có mặt ở hầu khắp các công trình kiến trúc lớn nhỏ của Ai Cập cổ.

Tranh chứa đựng các sự tích liên quan đến những vị thân và người sáng lập ra thế giới bằng những đường nét đơn giản, khúc chiết, màu sắc hài hoà.

Nhiều bức đến nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn, sống mãi với thời gian.

SƠ LƯỢC VỀ MĨ THUẬT HI LẠP THỜI KÌ CỔ ĐẠI

Từ thế kỉ XV trước Công nguyên, Hi Lạp trở thành nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân tộc đến từ nhiều miền, trong đó có người đảo Cre-tơ.

Sự hoà nhập này đã hình thành nền văn minh Hi Lạp, mà đỉnh cao được ghi nhận vào các thế kỉ III và II trước Công nguyên,

1. Kiến trúc

Người Hi Lạp thời kì cổ đại đã sáng tạo ra những kiểu cột độc đáo, khoẻ khoắn, thanh nhã và duyên dáng.

Chúng được xem là những chuẩn mực thẩm mĩ trong nghệ thuật kiến trúc.

Vì vậy, các công trình của họ tuy không lớn nhưng đặc sắc và đẹp mắt.

Tiêu biểu cho các công trình đó là đền Pac-tê-nông được xây bằng đá cẩm thạch rất tráng lệ.

Một đường diềm phù điêu chạy quanh dưới mái đến dài 276 m, mô tả lễ tôn vinh nữ thần A-tê-na với hàng trăm nhân vật được sắp xếp nhịp nhàng, uyển chuyển làm cho ngôi đền thêm linh thiêng, rạng rỡ.

2. Điêu khắc

Tượng và phù điêu Hi Lạp thời kì cổ đại đã đạt tới đỉnh cao của sự cân đối hài hoà.

Các pho tượng có hình dáng sinh động, không thần bí, không dung tục vẫn luôn là những tuyệt tác của nền nghệ thuật điêu khắc cổ.

Ví dụ một số tác phẩm tiêu biểu:

  • Tượng Đô-ri-pho của Pô-li-clét;
  • Tượng Người ném đĩa của Mi-rông ;
  • Tượng Thần Dớt của Phi-đi-at …
Bài 29 : Thường thức Mĩ thuật - Sơ lược về Mĩ thuật thế giới thời kì cổ đại - Mĩ thuật lớp 6
Hình 2 . Tượng Người ném dĩa của Mi-rông

3. Hội hoạ

Các tác phẩm hội hoạ nguyên bản còn lại rất hiếm hoặc chưa đủ tin cậy.

Muốn tìm hiểu hội hoạ Hi Lạp thời kì cổ đại ta cần xem trên đồ gốm.

Đây là những bản sao các tác phẩm hội hoạ, đó là những bức tranh tuyệt tác.

4. Đồ gốm

Nói đến mĩ thuật Hi Lạp thời kì cổ đại, ta không thể bỏ qua những sản phẩm gốm đẹp và độc đáo với hình dáng, nước men, hình vẽ trang trí thật hài hoà và trang trọng.

Bài 29 : Thường thức Mĩ thuật - Sơ lược về Mĩ thuật thế giới thời kì cổ đại - Mĩ thuật lớp 6
Hình 3 . Bình gốm

SƠ LƯỢC VỀ MĨ THUẬT LA MÃ THỜI KÌ CỔ ĐẠI

Vào thế kỉ I trước Công nguyên, người La Mã đã chinh phục được đất nước Hi Lạp nhưng lại trở thành kẻ bị chinh phục và chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Hi Lạp rất sâu đậm.

Tuy nhiên, trong gần 500 năm phát triển, mĩ thuật La Mã đã đạt được những giá trị sáng tạo nghệ thuật đặc sắc chưa từng thấy của nền văn minh nào trước đó.

1. Kiến trúc

Điểm mạnh của người La Mã là kiến trúc đô thị, với kiểu nhà mái tròn và cầu dẫn nước vào thành phố dài hàng chục cây số.

Họ cũng là những người đầu tiên sáng chế ra loại xi măng cho phép xây dựng nhiều công trình lớn bằng gạch giống như đền Pac-tê-nông có vòm mái rất rộng.

Ngoài ra còn có đấu trường Cô-li-dê (có thể chứa được khoảng năm vạn khán giả) và nhiều công trình kiến trúc vĩ đại khác.

Bài 29 : Thường thức Mĩ thuật - Sơ lược về Mĩ thuật thế giới thời kì cổ đại - Mĩ thuật lớp 6
Hình 4. Đền Pác-tê-nông

2. Điêu khắc

Nghệ thuật điêu khắc La Mã thời kì cổ đại cũng khai sinh ra kiểu tượng đài kị sĩ, tiêu biểu là pho tượng Hoàng đế Mạc Ô-ren trên lưng ngựa.

Ngoài ra, nhiều tượng chân dung thể hiện nội tâm nhân vật được xếp vào hàng kiệt tác cũng bắt đầu có từ La Mã.

3. Hội hoạ

Nhiều tranh tường lớn rất sinh động tìm thấy ở hai thành phố Pom-pê-i và Ec-quy-la-num, bị tro núi lửa vùi lấp trong nhiều thế kỉ mới được phát hiện gần đây cho thấy các hoạ sĩ La Mã cũng là những người khởi xướng lối vẽ hiện thực.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

  1. Nói vài nét về nền mĩ thuật Ai Cập, Hi Lạp và La Mã thời kì cổ đại.
  2. Kể tên một số công trình kiến trúc và điêu khắc của nền mỹ thuật thế giới thời kì cổ đại.

Nguồn: Sách Âm nhạc và Mĩ thuật 6 – Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam